Hơn 10 năm qua, để tạo đà xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có thúc đẩy liên kết thành lập HTX, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, quá trình xây dựng
nông thôn mới huyện Triệu Phong đã gặt hái được nhiều kết quả, diện mạo kinh tế,
xã hội đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải
thiện.
Huy động các nguồn lực
Hơn một năm qua, với mục tiêu đưa
3 xã Triệu An, Triệu vân và Triệu Lăng về đích nông thôn mới và 2 xã Triệu Đại
và Triệu Trạch đạt nông thôn mới nâng cao, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa
phương rà soát, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu
chí, dồn lực và thực hiện đa dạng các giải pháp đối với những tiêu chí khó, xã
khó. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các xã đã có lộ trình về
đích nông thôn mới.
Riêng trong năm 2022, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 291,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 31 tỷ, ngân sách địa phương hơn 21 tỷ đồng, vốn lồng ghép 211 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 15,5 tỷ đồng, huy động người dân và cộng đồng hơn 11,4 tỷ đồng.
Diện
mạo kinh tế, xã hội huyện Triệu Phong khởi sắc cùng nông thôn mới
Từ nguồn lực huy động được, huyện
đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công
cộng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, trong năm 2022, từ
nguồn sự nghiệp nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương huyện đã triển khai
điều chỉnh quy hoạch cho 2 xã Triệu Đại và Triệu Trạch và quy hoạch một số khu
dân cư trên địa bàn một số xã.
Bên cạnh các nguồn lực kinh tế,
việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá
trị gia tăng, với vai trò trọng điểm của các HTX, doanh nghiệp trong hình thành
chuỗi liên kết được các ban ngành huyện Triệu Phong đặc biệt chú trọng.
Điển hình, thời gian qua, với
phương châm phát triển đồng thời nhưng không dàn trải. Lĩnh vực trồng trọt huyện
Triệu Phong tập trung trọng điểm vào những cây trồng chủ lực là lúa, dưa hấu và
hoa màu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các loại cây, mang lại lợi ích kinh
tế cao cho người sản xuất.
Trong quá trình thúc đẩy phát triển
trồng trọt theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện, vai
trò của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, Tổ hợp tác được thể
hiện vô cùng rõ nét, trở thành “bà đỡ” sản xuất cho các thành viên, nông dân
liên kết.
Xây dựng nền tảng từ nông nghiệp
Đơn cử, ở xã Triệu Trạch, dưới sự
dẫn dắt của các HTX, mô hình trồng sen kết hợp nuôi thả cá trên địa bàn xã cho
thu nhập khá cao, giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Các HTX cũng là
nòng cốt để xã xây dựng các vùng rau màu có hiệu quả cao, với tổng diện tích hiện
đạt trên 12 ha.
Hay trong quá trình xây dựng dưa
hấu thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, xã Triệu Trạch đã chỉ đạo xây dựng
cánh đồng lớn tại các HTX Linh An, Long Quang, Vân Tường với diện tích 145 ha.
Ví dụ như ở HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Quang, hiện đang có gần 300 thành viên, trong đó trên 50% thành viên tham gia trồng dưa hấu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tổng diện tích xấp xỉ 30 ha/2 vụ/năm.