Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh

Giảm nghèo nhờ tham gia HTX

Trang bị cho nhân dân kiến thức, kỹ thuật sản xuất kinh doanh từ đó khơi dậy ý chí thoát nghèo là cách mà huyện Thuận Châu (Sơn La) đang làm. Từ đây, nhiều HTX với những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả xuất hiện tạo ra những bước đi vững chắc trong phát triển kinh kinh tế nông nghiệp.

HTX bản Bon (xã Mường Khiêng) là đơn vị đầu tiên trong huyện Thuận Châu tổ chức xuất khẩu sản phẩm quả xoài sang Trung Quốc. Theo tính toán của các thành viên, với giá 10.000 đồng/kg và sản lượng mỗi ha đạt hàng chục tấn quả/năm, người nông dân hoàn toàn có thể giảm nghèo và làm giàu từ cây xoài.

Nâng cao thu nhập

Có được điều này là nhờ HTX bản Bon đã thực hiện liên kết tập trung để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt nhằm giải quyết những khó khăn trong liên kết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ HTX bản Bon liên kết với HTX Thanh Sơn để tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc xoài cho các thành viên.

Từ khâu bón phân, cắt tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hái đóng gói đều được tổ chức bải bản. Bà con được thực hành theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên ứng dụng vào thực tiễn rất nhanh. Mặt khác, để giúp một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, HTX Thanh Sơn còn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức trả chậm.

Ông Cà Văn Yên, Giám đốc HTX bản Bon cho biết nhờ được hướng dẫn và hỗ trợ ở hầu hết các khâu đầu vào nên cây xoài phát triển tốt. Sản lượng vụ xoài năm 2022 của HTX đạt 100 tấn. Trong đó, xuất khẩu gần 70 tấn sang thị trường Trung Quốc, mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành viên. HTX đang tiếp tục chăm sóc diện tích xoài theo hướng nông sản sạch để xuất khẩu.

Cũng giúp người dân nâng cao thu nhập nhờ liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, HTX nông nghiệp sinh thái Efarm (xã É Tòng) đã thực hiện nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học với quy mô 3.500 con. Nhờ được sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nên các thành viên HTX áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi gà. Chính vì vậy mà đầu ra cho sản phẩm gà đen bản địa rất thuận lợi.

Để bảo đảm đầu ra, HTX tổ chức cho thành viên nuôi gà theo hình thức gối vụ. Cứ sau 2-3 tháng, HTX lại có thể có một lứa xuất chuồng. Riêng Tết Nguyên đán 2023, HTX xuất bán trên 3.000 con gà đen. Và trong năm nay, HTX đang mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi hơn 30.000 con gà đen, đồng thời phối hợp với ngành chức năng xây dựng sản phẩm trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện.

Mô hình sản xuất của HTX Efarm đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết, từ đó giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Để có được những kết quả đó, bà Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Efarm, cho rằng các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với xã É Tòng tổ chức mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân. Đồng thời, ngành chức năng cũng thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi như: Thiết kế chuồng trại, làm quây úm gà, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho đàn gà... Chính vì vậy mà các thành viên đã gạt đi được những lo lắng khi đầu tư sản xuất trên quy mô lớn.

HTX là công cụ giảm nghèo

HTX bản Bon và HTX Efarm chỉ là những nhân tố điển hình thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ đắc lực cho người dân ổn định kinh tế, thoát nghèo. Theo thống kê, hiện nay Thuận Châu có 56 HTX đang hoạt động, trong đó có 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vai trò nổi bật và quan trọng của các HTX là hỗ trợ và thúc đẩy hơn 1.000 thành viên và hàng nghìn hộ liên kết phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thông qua đó, các HTX góp phần giải quyết những nhu cầu về sản xuất và đời sống, về kinh tế và xã hội nhất là trong nông nghiệp và nông thôn.